Friday, March 15, 2024

SpaceX phóng thử Starship lần 3

Bài này viết dành cho những ai không rành, đọc để hiểu sơ lược để coi video phóng thử cho dễ.


Ngày 14/3/2024, SpaceX phóng thử Starship lần thứ 3. Đây là lần đầu tiên được xem thành công rực rỡ, vì nó đi quá xa so với mong đợi, khác với 2 lần thử nghiệm trước đó.

Với công ty SpaceX, Starship là mục tiêu tối thượng của họ trong hành trình chế tạo thiết bị bay. Từ khi thành lập đến giờ, mọi thứ họ làm chỉ để phục vụ cho con tàu Starship này, vốn định sẽ dùng để bay đến Sao Hỏa trong tương lai.

SpaceX làm các tên lửa Falcon, là vừa để học vừa thử nghiệm cách tiếp cận "tái sử dụng" và cũng vừa kiếm tiền để nuôi dự án Starship. Falcon cũng như bao nhiêu tên lửa vũ trụ khác, gồm 2 phần: stage 1 lớn gấp chục lần stage 2, và stage 1 là cái được tái sử dụng nhiều lần, còn stage 2 vẫn giống như bao loại tên lửa khác, trở thành rác thải ngoài vũ trụ. Muốn không có rác, chỉ có một con đường là cái stage 2 đó phải được gắn vào tàu vũ trụ luôn. Và đó chính là ý tưởng của Starship.

Các cơ quan vũ trụ khác (như NASA, Roscosmos, và cả TQ nữa) khi phóng tàu vũ trụ, sẽ bỏ lại vài tỷ USD rác, ngoài vũ trụ và dưới biển. SpaceX Falcon cắt xuống còn chỉ có vài triệu USD rác thải. Nhưng SpaceX Starship sẽ không vứt một tý rác thải nào. Đây là điểm mấu chốt.

Gọi tên là Starship nhưng nó có 2 phần, phần 1 là Heavy Booster, phần 2 mới là Starship. Heavy Booster có nhiệm vụ đẩy Starship ra ngoài vũ trụ, sau đó nó tách ra và quay lại trái đất, nạp thêm năng lượng để tiếp tục đẩy Starship khác. Còn phần tàu chính, tức Starship, cũng chứa khí hóa lỏng để thực hiện các hành trình của mình, như đến mặt trăng hay sao Hỏa.

Hầu hết tàu vũ trụ đều có kích thước nhỏ. Ví dụ như khoang hành khách Dragon của SpaceX chỉ to bằng một chiếc xe hơi.

Starship với nhiệm vụ lớn, nên nó có kích thước khổng lồ. Đường kính 9m nhưng cao 50m, tức gần bằng diện tích mặt đất của một căn nhà phố ở Sài Gòn, nhưng cao 15 tầng. Và nặng đến 1300 tấn.

Chính vì kích thước khổng lồ này, khiến cho Heavy Booster muốn đẩy được lên vũ trụ thì nó cũng phải lớn hơn: Đường kính 9m nhưng cao 71m và nặng 3600 tấn. Kích thước lớn nên việc hạ cánh cũng rất khó khăn.

Cũng vì kích thước quá lớn, nên cũng cần rất nhiều tên lửa lực đẩy, và SpaceX phải tự chế tạo động cơ tên lửa Raptor riêng.

Hiểu cơ bản là thế, giờ đến các lần phóng thử.

Lần 1, 20/04/2023

Lần thử này có 2 mục tiêu:

  1. Cất cánh thành công
  2. Không làm nổ tan tành bệ phóng

Kết quả:

  • Cất cánh thành công. (Đạt)
  • Bệ phóng bê tông bị nát do lực đẩy quá lớn. (Không đạt)
  • Chỉ 31 trong tổng số 33 động cơ Raptor hoạt động. (Không đạt)
  • Bay đến độ cao cần thiết để tách ra làm 2. (Vượt mong đợi)
  • Không thể tách ra làm 2, nhưng bị mất lái, quay vòng và bị cho nổ tung. (Đã vượt mong đợi)

Tóm lại, đây là lần phóng thử thành công, nhưng không hẳn thành công lắm. Vì có cái đạt mong đợi nhưng có cái không đạt.

Lần 2, 18/11/2023

Cải tiến:

  1. Làm lại bệ phóng, không đặt sát đất nữa mà làm một cái bệ phóng rất cao.
  2. Thay đổi thiết kế bê tông với loại thép đặc biệt.
  3. Thay đổi cách điều khiển tàu để tránh việc quay vòng trên không.

Mục tiêu:

  1. Tách 2 phần thành công
  2. Không bị tất cả các vấn đề ở lần 1.

Kết quả:

  • Bệ phóng chỉ bị hư hại nhỏ. (Đạt)
  • Cả 33 động cơ Raptor đều hoạt động tốt. (Đạt)
  • Tách ra làm 2 thành công. (Đạt)
  • Phần 2 (tàu Starship) khởi động 6 động cơ Raptor và tự di chuyển. (Đạt)
  • Booster thành công quay trở về. (Vượt mong đợi)
  • Booster bị mất điều khiển, và bị cho nổ tung. (Đã vượt mong đợi)
  • Phần 2 đạt độ cao cần thiết để có thể tắt động cơ. (Vượt mong đợi)
  • Tàu Starship bị mất tín hiệu, khiến trung tâm điều khiển không biết rõ trạng thái, và trung tâm quyết định cho nổ luôn. (Đã vượt mong đợi)

Tóm lại, đây là lần phóng thử thành công, đạt hết tất cả các mong muốn, và chỉ vượt hơn mong đợi một chút.

Lần 3, 14/03/2024

Cải tiến:

  1. Thay đổi cơ chế điều khiển khí hóa lỏng, giúp ngăn chặn việc bị mất kiểm soát động cơ.
  2. Sử dụng kết nối với vệ tinh Starlink để truyền tín hiệu và điều khiển.
  3. Lần đầu tiên sử dụng loại camera mới, chịu được nhiệt độ rất cao.

Mục tiêu:

  1. Đạt độ cao và tốc độ để tự bay quanh trái đất mà không cần động cơ (thuật ngữ chuyên ngành là "orbital velocity").
  2. Không bị tất cả các vấn đề ở lần 2.

Kết quả:

  • 2 phần vẫn tách ra thành công, và booster tắt động cơ để rơi ngược về trái đất. (Đạt)
  • Booster rơi theo phương ngang, dùng lực đẩy không khí để giảm tốc. (Đạt)
  • Booster dựng thẳng lên và bắt đầu giảm tốc bằng động cơ Raptor. (Vượt mong đợi)
  • Chỉ có 3 trong 13 động cơ cần thiết hoạt động, Booster rơi xuống biển với tốc độ vẫn còn quá cao, và bị nổ. (Đã vượt mong đợi)
  • Phần 2 (tàu Starship) đạt độ cao cần thiết, và tăng tốc để đạt cái gọi là "orbital velocity". (Đạt)
  • Tàu Starship bay gần nửa vòng trái đất, đến Ấn Độ Dương mà không cần động cơ. (Vượt mong đợi)
  • Tàu Starship thực hiện thử nghiệm truyền dẫn khí hóa lỏng trong môi trường không trọng lượng. (Vượt mong đợi)
  • Tàu Starship thử mở cửa và thả một món đồ ra ngoài rồi đóng cửa lại. (Vượt mong đợi)
  • Tàu Starship khởi động động cơ để quay lại khí quyển trái đất, tiếp tục dùng cái gọi là "air braking" giống Booster để giảm tốc. (Vượt mong đợi)
  • Tuy nhiên, Starship vẫn bị mất tín hiệu, và bị nổ tung. (Đã vượt mong đợi)

Và đây chính là lần thành công vượt mong đợi nhất tính đến hiện tại, bởi có hàng loạt thứ lần đầu tiên làm mà đã thành công.

Wednesday, June 21, 2023

Câu chuyện nhân dạng giới tính (gender identity)

Câu chuyện nhân dạng giới tính (gender identity) diễn ra như sau:

Đầu tiên chúng ta có:

  • M(ale): Nam, bị hấp dẫn bởi nữ
  • F(emale): Nữ, bị hấp dẫn bởi nam

Sau đó, từ thực tế cuộc sống, người ta thêm vào:

  • L(esbian): Nữ nhưng nghĩ mình là nam, bị hấp dẫn bởi nữ
  • G(ay): Nam nhưng nghĩ mình là nữ, bị hấp dẫn bởi nữ
  • B(isexual): Có thể là nam hay nữ nhưng bị hấp dẫn bởi cả nam lẫn nữ

Cả 5 giới này đều là do tự nhiên mà ra. Và tôi không kiến nghị gì cả, mọi người đều bình đẳng và tự do lựa chọn lối sống của mình.

Thế rồi, người ta lại thêm vào:

  • T(ransgender): Nam chuyển giới thành nữ hoặc nữ chuyển giới thành nam

Đây bắt đầu của sự khác thường:

Transgender là thứ phi tự nhiên, chỉ có thể đạt được thông qua y học, điều đó đồng nghĩa với việc có chi phí phát sinh trong việc "nhận diện" một người thuộc nhóm này. Và đó cũng có tiềm năng là nguồn sinh doanh thu khổng lồ.

Ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội của transgender cũng lớn, khi rất nhiều người đàn ông gian lận tự nhận mình là nữ để xâm nhập nhà tắm nữ, sờ mó em bé gái và công khai nhất là tham gia các hoạt động thể thao dành cho nữ.

  • Q(ueer): Là một loại giới tính mới không thuộc và không dựa trên khái niệm nam và nữ.

Nói cho rõ, queer cũng không phải thuộc về tự nhiên, mà thuộc về quan điểm và nhận thức nhiều hơn. Và nó gắn liền với xã hội họ sống.

Sự kỳ lạ của queer nằm ở chỗ, có người tự nhận "nhân dạng giới tính" là "con sói", nhưng họ không thật sự sống như loài sói cũng không giao tiếp được với sói. Tôi không nói nhiều đến việc giao tiếp và lối sống. Sự kỳ lạ mà tôi muốn nói nằm ở chỗ: Đây không phải là "giới tính", đây chỉ đơn giản là "sự nhận diện". Họ muốn mọi người gọi họ là "sói" thì cứ gọi là "sói", chứ không phải là một hình thái giới tính mới là "sói". Đây là việc bẻ cong khái niệm rất khó chấp nhận với những người bảo thủ. Như vậy nó sẽ thành một bãi chiến trường.

Sự kỳ lạ tiếp theo còn nằm ở chỗ, có người tự nhận "mình là nam nhưng có đôi chân là nữ", và vì thế họ phải được chấp nhận trong cuộc thi chạy của nữ. Như vậy, dường như không có bất cứ giới hạn nào cho việc phân loại. Mà nếu đã không thể gom nhóm để phân loại, thì việc phân loại sẽ không còn tồn tại nữa.

Nhắc lại, queer chính là khái niệm khiến cho những khái niệm về "nhận dạng giới tính" khác như male, female, lesbian, gay, bisexual không còn tồn tại như là một giới tính nữa, tất cả sẽ bị trộn vào một kho các khái niệm hỗn loạn. Và đó cũng là lý do tại sao những người theo hướng bảo thủ quay về với khái niệm mang tính sinh học hơn: giới tính sinh học (biological sex), tức lật gene ra mà coi: XX là nữ, XY là nam.

Sự lộn xộn của T và Q gây ra khiến chính cộng đồng LGB nổi giận và bắt đầu tách mình ra với phong trào "LGB without TQ+". Và họ cũng mong muốn phong trào có tên "Pride" trở về với ý nghĩa gốc của họ: chỉ vận động sự công nhận LGB - những giới tính xuất phát hoàn toàn từ tự nhiên.

Nhắc lại, "pride" là cuộc biểu tình chống lại việc xem gay, lesbian và bisexual là một loại bệnh cần khử trừ. Cuộc biểu tình này mang tính quyền con người hơn là xu hướng khuyến khích chuyển giới, hay xu hướng khiến mình khác biệt hoàn toàn với thế giới, nhưng nó lại bị lợi dụng bởi TQ+.

Monday, June 12, 2023

Góc nhìn so sánh ngành điện Úc và VN

Nhân dịp khủng hoảng điện diễn ra ở miền Bắc VN, tôi điểm qua vài sự khác biệt, hay nói cách khác là các bước cách mạng của ngành điện Úc so với VN. Bài viết nặng tính so sánh, và không đề xuất hướng đi cho ngành điện VN.

Hoàn cảnh của tôi

Hiện tôi đang sống ở Sydney, Úc, nhà có solar panel và pin trữ điện Tesla Powerwall. Hiện tại chỉ phải trả rất ít, kể cả khi phải sạc cho chiếc xe Tesla Model 3.


Đâu đó khắp nước Úc, số lượng nhà có pin trữ điện cũng không nhỏ, còn nhà có solar panel thì còn nhiều hơn nữa. Tôi đọc ở đâu đó, bảo 30% nhà ở Úc là có solar panel, và xu hướng càng lúc càng tăng nhanh.

Trung bình, nếu không có pin trữ điện, thì solar panel sẽ gánh được 1/2 nhu cầu điện của gia đình, mặc dù nắng chỉ có vào ban ngày. Nếu có pin trữ điện thì rất ít khi xài điện từ điện lưới, cả ngày lẫn đêm.

Khi mới bắt đầu tìm hiểu, tôi cũng ngạc nhiên là tại sao ở Úc lại có nhiều nhà cài solar panel, trong khi việc này ở VN là gần như không có. Muốn giải đáp, phải đi từ các khác biệt đầu tiên nhất.

1. Tư nhân hóa ngành điện

Mảng điện được chia ra làm 3 nhóm ngành: sản xuất điện, truyền tải điện và bán lẻ điện.

Trong đó, truyền tải điện là thứ được quy định chặt chẽ nhất từ chính quyền. Phương pháp tổng quan thì khá dễ hiểu: Khi mở một khu dân cư mới, chính quyền sẽ cho phép đấu thầu truyền tải điện. Thứ mà họ tranh nhau chính là tỷ suất lợi nhuận, thông qua daily supply charge và network cost.

Daily supply charge là mức tiền phải trả cho việc kết nối điện từ mỗi nhà vào điện lưới. Trừ khi bạn hoàn toàn off grid, bạn phải trả số tiền này.

Network cost được tính theo số Kwh sử dụng. Bạn sử dụng càng nhiều thì sẽ phải trả nhiều, bởi vì chính bạn gây nặng tải cho lưới điện.

Cả hai loại tiền này được dùng để trả lại cho bên truyền tải điện cho việc bảo trì lưới điện và các thiết bị cần thiết để dẫn điện về nhà người dân.

Mức lợi nhuận của công ty truyền tải điện là cố định, đi theo hợp đồng lúc đấu thầu, nhưng vẫn được điều chỉnh mỗi năm theo lạm phát và các yêu cầu nâng cấp từ chính quyền.

Bên sản xuất điện thì ít bị kềm chặt bởi chính quyền hơn nhưng họ phải có cam kết về mức sản xuất tối thiểu. Bù lại với cam kết đó là họ được quyền định giá cao hơn vào những lúc cao điểm, khi nhu cầu vượt quá mức cung ứng của hệ thống. Việc này kích thích bên sản xuất điện kiếm lời cao hơn vào giờ cao điểm.

Cuối cùng là bên bán lẻ điện, đứng trung gian giữa người dân và hệ thống sản xuất và phân phối điện. Họ gần như ít bị kiểm soát bởi chính quyền, nhưng họ bị kiểm soát bởi cạnh tranh và sự tự do lựa chọn của người dân. Thứ duy nhất mà họ phải tuân thủ là việc định mức giá tối đa do chính quyền quy định, họ không bao giờ vượt quá mức này, tiếng Anh gọi là Default market offer (DMO).

Thực tế mà nói, tôi chưa thấy công ty bán lẻ điện nào lại bán cho người dân ở mức DMO.

Các công ty bán lẻ phải gửi thông tin gói lên chính quyền, và chính quyền có một trang web so sánh giá điện cho từ nhà. Mỗi nhà, tùy nhu cầu khác nhau, mà sẽ có sự lựa chọn rẻ nhất từ các nhà bán lẻ khác nhau. Thậm chí giá bán lẻ còn thay đổi mỗi năm, khiến nhiều người cứ phải đổi nhà bán lẻ liên tục để đảm bảo mình nhận được giá rẻ nhất. Đó là sự tự do lựa chọn.

Tôi sẽ đề cập thêm về dòng tiền ở bên dưới.

2. Nâng cấp lưới điện để cho chạy 2 chiều

Đây là cái ngăn trở lớn nhất cho VN, trong việc khuyến khích người dân cài đặt solar panel.

Lưới điện, bao gồm cả các thiết bị biến thế và đồng hồ đo, ở VN là loại đi 1 chiều: từ nhà sản xuất đi lên lưới điện và đi xuống từng nhà dân.

Giả sử một người muốn lắp đặt solar panel, thì vào ban ngày khi điện mặt trời dư thừa quá mức nhà có thể sử dụng, thì điện sẽ đi về đâu? Câu trả lời là không đi đâu được cả, thế nên phải giảm công suất chuyển đổi từ quang sang điện (việc này làm được dễ dàng từ mấy cái converter). Nhưng như vậy là phí phạm và không có lợi cho người dân.

Ở Úc, điện dư thừa đó sẽ bán trở lại điện lưới. Tất nhiên giá rẻ hơn nhiều so với giá mua, nhưng có vẫn hơn không. Trung bình tiền bán điện sẽ bằng 1/4 tiền mua điện, điều đó có nghĩa là nếu bạn bán 4Kwh vào ban ngày, thì ban đêm bạn sử dụng 1 Kwh điện là bạn sẽ không trả xu nào cho bên bán lẻ điện. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng tính trung bình cả năm, nhà tôi bán trung bình 20Kwh mỗi ngày vào điện lưới, tức là đủ để bù khá nhiều điện sử dụng vào ban đêm.

VN mà muốn khuyến khích người dân lắp đặt solar panel, thứ họ cần là việc cải tổ lưới điện, để có thể cho phép mọi nhà dân bán điện.

Nói thêm một xíu, về mặt vật lý học, điện chỉ đơn giản là chạy từ nơi có điện thế cao đến nơi có điện thế thấp, nó không cần thiết phải chạy một chiều. Thứ mà khiến nó phải chạy một chiều là các thiết bị biến thế và đồng hồ đo điện, các loại đồng hồ cũ với cái bánh xe kim loại chỉ có thể chạy 1 chiều mà thôi, trong khi các đồng hồ đo điện tử thì hoàn toàn có thể chấp nhận đo cả 2 chiều.

Một điểm nữa cần lưu ý là đồng hồ đo điện tử ở Úc cũng hỗ trợ việc gửi dữ liệu lên hệ thống mỗi 30 phút. Điểm lợi của nó chính là cho phép 2 cuộc cách mạng tiếp theo mà tôi sẽ đề cập bên dưới, thông qua việc báo mức tiêu thụ mỗi gia đình "realtime" hơn là cách cử người đi ghi điện hàng tháng.

Việc gửi dữ liệu 30 phút một lần cũng cho phép lưới điện xác định nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình là ít hay nhiều, vào thời điểm nào, cung cấp một cơ chế khuyến khích người dân sử dụng điện vào giờ thấp điểm thông qua việc giảm giá tương ứng.

3. Thị trường commodity về điện

Tất cả những ai từng trading future market đều biết giá cả hầu hết các mặt hàng trên thế giới đều được định bởi thị trường future về commodity. Nó bao gồm từ giá xăng dầu, đến giá ngô gạo,...

Lấy ví dụ về giá xăng, thị trường future của nó được xác định bằng việc đặt cược giá xăng giao vào một lúc nào đó trong tương lai. Giả sử bạn là trader, bạn nghĩ giá xăng giao vào tháng sau sẽ tăng 2% so với giá ngày hôm nay, bạn sẽ mua một cái put order, để khi giá xăng lên cao đúng kế hoạch thì bạn sẽ bán cái put order đó để kiếm lời từ chênh lệch. Dĩ nhiên, nếu nó đi ngược kế hoạch thì bạn lỗ. Bởi vậy nên bạn cần nắm rõ các yếu tố khiến giá xăng tăng hay giảm, để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Việc buôn bán và định giá tại thị trường future này giúp xác định điểm trung bình, khi mà số lượng bên cược giá lên bằng với số lượng bên cược giá xuống. Điểm trung bình này chính là giá bán thực tế của xăng vào thời điểm đó. Và nó biến động liên tục.

Một điểm cần lưu ý nữa là thế giới trading future hiện nay không còn là người vs người nữa, mà phần lớn là máy vs máy. Mỗi máy từ một công ty/trader khác nhau sẽ có các quy tắc thu thập thông tin và đưa ra quyết định khác nhau, nhưng việc đặt lệnh mua bán (từ chuyên ngành là put order và call order) thực hiện liên tục và nhanh chóng, nhiều khi chênh lệch chỉ tầm vài micro giây.

Một cách tương tự, giá bán sỉ điện tại Úc cũng được quyết định bởi thị trường future, tuy nhiên giá được xác định theo khung thời gian rất ngắn: 5 phút. Tức là thiết bị trading của bạn phải phán đoán giá điện 5 phút tiếp theo sẽ lên hay xuống để đặt put hoặc call order. Quyết định của nó thường dựa trên phán đoán về nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp.

Giá bán sỉ này là giá điện bên bán lẻ sẽ phải trả cho bên phát điện theo lượng điện của người dùng.

Tức là cứ mỗi 30 phút, đồng hồ điện của bạn sẽ báo lượng điện sử dụng của bạn cho bên lưới điện. Số này sẽ được báo lại cho bên bán lẻ điện, để họ trả tiền cho bên sản xuất điện và lưới điện, sau khi thu tiền của bạn.

Nói thêm một xíu về dòng tiền.

Bạn trả tiền cho công ty bán lẻ điện, không phải theo từng block 30 phút, mà theo giá cố định. Giá cố định này được xác định bởi công ty bán lẻ điện, sau khi tính trung bình số tiền bạn phải trả, cộng thêm tiền lời của họ (tiếng Anh gọi là markup).

Lấy ví dụ cho dễ hiểu: Một ngày có 48 block 30 phút, trong đó giả sử có 40 block giá 20 xu/Kwh và 8 block giá 40 xu/Kwh, và giả sử bạn sử dụng điện đều đều cả ngày 0.25kwh/30 phút, khi đó giá tiền sử dụng ngày hôm đó của bạn là: 0.25 * (40 * 20 + 8 * 40) = 280 xu = $2.8. Đây là số tiền bạn công ty bán lẻ sẽ trả lại cho bên sản xuất và bên lưới điện. Tuy nhiên họ sẽ định giá bán lẻ điện cho bạn là 30 xu/Kwh, tức bạn phải trả: 0.25 * 48 * 30 = 360 xu = $3.6, và công ty bán lẻ sẽ lời $0.8 từ việc bán điện cho bạn ngày hôm đó.

Tất nhiên, sẽ có nhiều công ty khác bán với giá 27 xu/Kwh cho bạn, và họ chấp nhận chỉ lời $0.44 ngày hôm đó thôi, để bù lại bằng việc có lượng khách hàng lớn hơn, nhằm gia tăng lợi nhuận.

4. Khi người dân trở thành nhà cung cấp điện, cũng đồng thời là người sử dụng

Đây là bước tiến mới nhất trong hành trình khuyến khích người dân làm giảm tải lưới điện, bằng việc lắp đặt solar panel và pin trữ điện.

Có 2 phương pháp phổ biến: Thứ nhất là chương trình VPP (Virtual Power Plant), thứ hai là buôn bán điện giá sỉ. Nhưng cả hai thứ này chỉ có thể sử dụng nếu nhà bạn có pin trữ điện.

Chương trình VPP thì có rất nhiều công ty bán lẻ làm, theo đó, bạn cho phép công ty bán lẻ được sử dụng pin trữ điện của bạn trong việc lưu điện khi giá rẻ, và bán điện lúc giá lên cao. Càng nhiều người tham gia, thì lượng điện xuất ra từ pin trữ điện sẽ càng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm. Như vậy, bên bán lẻ điện có thể thu lại nhiều lợi nhuận hơn, cuối cùng họ sẽ trả lại tiền cho bạn.

Tuy nhiên, cá nhân tôi thử thì thấy cái lợi của nó không lớn bằng việc buôn bán điện giá sỉ. Hiện nay, ở Úc chỉ có mỗi Amber là làm việc này.

Amber luôn mua hay bán điện với giá sỉ, đổi lại bạn phải trả phí hàng tháng là $15. Đồng thời Amber cũng có hệ thống tự động dự đoán giá điện, nếu biết nó sẽ lên cao thì nó cho phép sạc đầy pin, để sau đó bán ra cho điện lưới và kiếm lời.

Nhiều lúc, tôi bán có 10 Kwh mà kiếm được đến $33. Mỗi tháng chỉ cần 1 lần như vậy là coi như khỏi lo trả xu nào trong tháng đó. Nếu 2 lần như vậy (vốn rất dễ xảy ra) là đảm bảo có lời.

Nhiều người còn nâng cấp cho nhà họ để có thể gia tăng tối đa lợi nhuận, kiếm mấy trăm đô mỗi tháng là bình thường. Nhưng đây là bài toán 2 chiều: Bạn phải bỏ ra kinh phí lớn khi lắp đặt lúc đầu, như vậy sẽ mất một thời gian khá lâu mới có thể bù lại.

Theo ước lượng cá nhân tôi, tôi dự kiến sẽ bù lại tiền đầu tư sau 10 năm nếu giá điện giữ nguyên như hiện tại. Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm điều chỉnh do lạm phát (khiến giá điện phải trả mỗi năm tăng lên), thì tôi chỉ cần 7-8 năm là bắt đầu kiếm lời ròng.

Ai ở Úc có thể tham gia bằng link này để chúng ta cùng được $30.

Tổng kết

Tôi biết được và tham gia những thứ trên là vì tôi ở Úc. Nếu còn ở VN, chắc chắn tôi chẳng ngu mà lắp đặt solar panel làm gì.

Vậy VN đang thiếu cái gì?

Câu trả lời nằm ở chỗ cái thứ đầu tiên: Tư nhân hóa ngành điện. Nhất là việc tách phần bán lẻ điện và sản xuất điện ra khỏi ngành truyền tải điện.

Hiện tại, EVN là thế lực kiểm soát gần như toàn bộ, từ sản xuất đến truyền tải và bán lẻ, nên rất khó kiểm soát lời lỗ, rất có thể dẫn đến tình trạng bên sản xuất điện siêu lợi nhuận nhưng bán lẻ thì lỗ. Do theo cơ chế, bán lẻ mà lỗ thì ráng chịu, nên EVN sẽ giảm giá phải trả cho lưới điện, giúp bên bán lẻ hết lỗ, nhưng chuyển lỗ về cho bên truyền tải điện. Và vì truyền tải điện là dưới quyền kiểm soát của chính quyền, nên EVN hoàn toàn có thể kêu lỗ, yêu cầu chính quyền nới lỏng các giới hạn, nhất là việc tăng giá điện.

Việc tư nhân hóa sẽ khó khăn, bởi nó chỉ thành công khi ép được EVN nhả toàn bộ tất cả các công ty con ra, chỉ được nắm duy nhất 1 mảng: truyền tải điện. Mà mảng này không dễ mang lại "siêu lợi nhuận", bởi vì đặc tính bị kiểm soát nghiêm ngặt và việc tăng giảm phí hoàn toàn dựa theo lạm phát.

Nhưng nếu thất bại trong việc tư nhân hóa và tách EVN ra, thì sẽ không có tiền để nâng cấp lưới điện (bởi EVN tiếp tục bù lỗ cho bên bán lẻ nên hết tiền ngay lập tức), như vậy cũng không thể thực hiện cuộc cách mạng thứ 2. Hơn nữa, đâu có động lực nào cho việc cạnh tranh giá điện, giữa bên bán lẻ và bên sản xuất điện? Như vậy cũng không có động lực nào cải tiến lưới điện.

Không làm được cái thứ hai là cái cản trở lớn cho 2 bước còn lại, bởi vì đó là điều kiện tiên quyết.

Yêu cầu tư nhân hóa ngành điện ở VN đã dấy lên từ lâu, đến nay cũng chẳng có bước tiến gì đáng kể. Giả sử mọi chuyện tiếp tục, và VN cuối cùng cũng tư nhân hóa thành công sau 15 năm nữa thì sao? Sau đó, mất thêm 20 năm để cải tổ toàn bộ hệ thống thiết bị của lưới điện. Rồi 10 năm nữa cho việc thay đổi cách tính tiền điện và thanh toán giữa bên bán lẻ, bên trading, bên truyền tải và bên sản xuất. Và thêm 10 năm nữa mới có thể có VPP hay các công ty kiếm lời bằng việc mua bán sỉ giá điện.

Tóm lại là lúc đó tôi đã xuống lỗ nằm rồi. Bởi vậy nên lúc đầu tôi mới bảo: Tôi chỉ so sánh mà không đề xuất cái gì. Đề xuất mà xa vời kiểu đó cũng chẳng được lợi gì.

Friday, February 4, 2022

Cách mạng năng lượng tái tạo

Bài này tôi lấy Úc nơi tôi đang sống làm ví dụ, nhưng các vấn đề được đề cập thì tôi nghĩ là chung cho mọi quốc gia.

Úc là một nước giàu tài nguyên có thể nói là nhất nhì thế giới, đặc biệt là than đá. Và thực tế trên thế giới, người ta cũng sử dụng than đá để phát điện, chính vì vậy Úc trở thành trung tâm của ngành điện than toàn cầu. À, nói cho chính xác, "đã từng" là trung tâm ngành điện than toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc là nước phát thải nhiều nhất, bởi họ đốt nhiều than đá nhất để phát điện, nhưng phần lớn than đá được nhập khẩu từ đất nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới, là Úc.

Những năm gần đây, khi xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo mở rộng trên khắp thế giới, chính quyền Úc rơi vào tầm ngắm của giới vận động môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Câu chuyện than đá

Từ hơn trăm năm trước, khi người ta bắt đầu dùng than đá để đun sôi nước, dẫn hơi nước qua tua bin phát điện, cho đến ngày nay, máy móc và công nghệ trong nhà máy điện than đá đã nâng cấp rất nhiều để phát thải thấp hơn, nhưng phát thải vẫn là phát thải. Tuy nhiên, còn có một câu chuyện khác liên quan đến than đá.

Nhà máy điện than Playford ở bang South Australia đã bị phá hủy. Nguồn: wikimedia

80% nhà máy điện than đá và khí gas ở Úc sẽ hết hạn vào khoảng năm 2040. Tức là đến lúc đó, 80% nhà máy sẽ phải đóng cửa trừ khi họ thực hiện đợt tu bổ lớn và thay thế tất cả các máy móc hết hạn sử dụng. Ở Úc, chuyện máy móc hết hạn là phải bỏ, tất nhiên, họ có thể bán lại máy hết hạn cho các nước nghèo hơn, nhưng về cơ bản họ không thể sử dụng nó ở Úc nữa. Tức là chính quyền phải quyết định: một là đóng cửa nhà máy luôn, hai là tiếp tục nâng cấp thiết bị mới để xài tiếp trong 100 năm tiếp theo. Nếu họ lựa chọn nâng cấp, có nghĩa là chính quyền phải lấy tiền thuế của dân để đầu tư vào công cuộc nâng cấp này, trước khi các nhà máy thu lại tiền và trả nợ.

Tất nhiên, không phải người dân nào cũng thích điều này. Nhất là khi người dân "bị dắt mũi" bởi truyền thông và giới vận động môi trường, số lượng người phản đối điều đó càng lúc càng tăng. Và sẽ là "tự sát chính trị" đối với bất cứ chính trị gia nào tỏ ra ý định ủng hộ việc dùng tiền thuế cho điện than đá. Cho nên, có vẻ điều đó không dễ gì diễn ra.

Tuy vậy, cũng khó đảm bảo công cuộc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo sẽ thành công.

Nguyên nhân chính nằm ở chỗ năng lượng tái tạo như gió hay mặt trời thì rất chụp giựt, lúc có lúc không, còn người sử dụng thì lại muốn năng lượng luôn sẵn sàng khi họ cần. Do vậy, chúng ta luôn cần một hình thức phát điện có thể sử dụng được khi gió và mặt trời không phát điện được. Đây chính là lý do chúng ta luôn cần có điện than đá.

Khó, nhưng không phải không có cách, và tôi sẽ đề cập vấn đề này sau.

Năm 2017, CSIRO (cơ quan nghiên cứu nổi tiếng của chính quyền Úc) ước tính rằng chúng ta cần 1 ngàn tỷ đô chuyển dịch hoàn toàn sang năng lượng tái tạo. 5 năm sau, tức mới đầu năm 2022, con số ước tính này giảm còn 500 tỷ đô, nhờ sự phát triển của công nghệ lưu trữ điện. Sự cải thiện này còn gợi ý sẽ có thể còn giảm nữa với những công nghệ mới được phát minh trong tương lai. Do vậy, niềm tin của người dân và chính quyền vào điện tái tạo là một thứ gì đó có cơ sở.

Đến năng lượng mặt trời hay gió

Ngoài than đá, Úc còn sở hữu một loại tài nguyên khác, đó là điện mặt trời. Nước Úc rộng, thưa dân, và nhiều sa mạc. Sa mạc tồn tại là do lượng mưa ít, tức là lượng mây cũng ít, cũng có nghĩa là năng lượng mặt trời dồi dào. Câu chuyện giàu tài nguyên còn kèm theo các quặng khoáng sản như đất hiếm, lithium, cobalt,... là những thứ cần thiết cho ngành sản xuất panô điện mặt trời.

Tóm lại, về lý thuyết, Úc hoàn toàn có thể tự chủ được nếu dùng điện mặt trời, từ khâu sản xuất điện đến khâu chế tạo vật tư sản xuất điện mặt trời. Và thực tế là có rất nhiều nhà máy điện mặt trời được triển khai trên khắp nước Úc.

Tuy nhiên, đất nước rộng và thưa dân lại kéo theo một vấn đề khác: truyền tải điện, nhất là việc truyền tải đến các vùng xa xôi.

Ai cũng biết kẻ thù số một của ngành truyền tải điện chính là điện trở của dây dẫn. Dây điện càng dài, điện trở càng tăng, năng lượng tiêu hao trên đường dây càng lớn, đến mức nếu kéo dây 1000Km mà không tiếp điện thì đến nơi nhiều khi chẳng còn điện để xài.

Phương án được khuyến khích ở Úc chính là việc mỗi nhà tự trang bị panô điện mặt trời. Họ sẽ dùng nó vào lúc có nắng, nếu không dùng hết họ có thể chuyển ngược vào điện lưới, và khi hết nắng, họ sẽ lại lấy điện từ mạng lưới mà xài. Tất nhiên, giá thu mua điện của dân sẽ thấp hơn nhiều so với điện mà dân rút ra từ điện lưới, nhưng nó cũng làm giảm hóa đơn điện rất đáng kể. Thậm chí nếu ban ngày mà họ nạp điện vào điện lưới đủ nhiều, nhiều khi ban đêm sẽ chẳng cần trả tiền điện.

Điều thú vị nằm ở chỗ việc này giúp giảm thiểu vấn đề của truyền tải điện, bởi người dân phần lớn sẽ sử dụng điện tại nhà (truyền tải = 0) hoặc xài điện của những nhà lân cận có điện mặt trời. Nhờ vậy, lượng điện cần cung cấp thêm từ các nhà máy điện lớn đến các khu xa xôi sẽ giảm đáng kể.

Thậm chí, người dân ở vùng xa xôi còn được hỗ trợ nếu mua pin trữ điện mặt trời, giúp cho họ có thể tự cung tự cấp đối với nhu cầu năng lượng của gia đình mình.

Và hệ thống trữ điện

Hệ thống trữ điện (battery system) là rào cản lớn nhất cho việc loại bỏ điện than đá, nó cũng là thứ ngốn chi phí lớn nhất trong cái vụ 500 tỷ đô mới đề cập ở trên. Có khá nhiều phương án được đưa ra, tôi sẽ điểm qua một số ý tưởng chính.

Phương án đầu tiên là Snowy 2.0 mà bang New South Wales đang theo đuổi. Snowy vốn là hệ thống đập nước ở vùng núi Snowy, cũng là một trong những hệ thống thủy điện lớn nhất thế giới. Kích thước mỗi đập tuy không to bằng đập Tam Hiệp, cũng không cao bằng đập Hoover, nhưng gồm rất nhiều đập nhỏ, liên kết với nhau. Gọi là "đập" nhưng thực chất họ chỉ khoan núi và dẫn nước vào tua bin, có thể hiểu họ dùng chính các dãy núi làm đập, và vẫn duy trì dòng chảy tự nhiên cho các loài hải sản di cư, đồng thời nó có thể tồn tại vững chãi kể cả khi có động đất mà không phải nươm nướp lo sợ xả lũ. Snowy 2.0 bổ sung thêm tính năng bơm nước lên cao khi có điện dư từ điện mặt trời hay điện gió, và xả nước phát điện nếu nguồn điện bị thiếu hụt.

Thứ hai thì không thể không kể đến hệ thống pin cỡ lớn, đang là hướng tiếp cận ở bang South Australia, bang Victoria và bang Western Australia. Tesla là công ty đi đầu trong mảng này, họ sản xuất pin và kết nối chúng lại thành một hệ thống pin đến hàng trăm megawatt. Các hệ thống này được đặt gần các cánh đồng điện gió hay điện mặt trời lớn, giảm thiểu chi phí truyền tải điện. Đó cũng chính là lợi thế của nó: có thể đặt ở khắp mọi nơi, không phụ thuộc vào địa hình như Snowy 2.0 kia. Mỗi hệ thống điện tuy chỉ có thể cung cấp tải nhỏ, nhưng người ta rồi sẽ có thể triển khai nó khắp mọi nơi. Vấn đề duy nhất chính là việc thiếu thiết bị, do nút thắt ở việc khai khoáng, khiến nó được triển khai một cách rất chậm chạp.

Hệ thống pin Tesla giữa cánh đồng điện gió Hornsdale. Nguồn: David Clarke/flickr (cc by-nc-nd 2.0)

Một ý tưởng khác đang được nghiên cứu là việc điện phân nước rồi lưu trữ hydro dưới dạng lỏng, khi nào cần điện thì đốt hydro để chuyển thành nước, và lấy năng lượng từ đó. Đây là phương án khá thú vị, đang được nghiên cứu để triển khai diện rộng ở bang Western Australia và vùng Northern Territory. Cái thú vị nằm ở chỗ, hydro lỏng có thể được vận chuyển và xuất khẩu sang các nước khác (nghe bảo Nhật là nước đầu tiên sẽ mua hydro lỏng từ Úc). Đây cũng là chủ trương lớn của Úc để giúp nước này tiếp tục là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới, trong tiến trình loại bỏ than đá và thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Suiso Frontier, tàu vận tải hydro lỏng đầu tiên trên thế giới. Nguồn: dự án HySTRA

Còn một ý tưởng nữa, mà tôi muốn dành riêng một đề mục để nói.

Rồi cả "nhà máy điện phân tán"

Dùng từ "phân tán" ở đây không đúng lắm với thuật ngữ người ta hay dùng ở Úc, đúng ra là "nhà máy điện ảo" (virtual power plant), nhưng mà từ phân tán thì sát nghĩa hơn. À, có thể dùng từ "phi tập trung" cho có vẻ hợp với trào lưu DeFi: nhà máy điện phi tập trung - decentralized power plant =))).

Ý tưởng của nó là kết nối hệ thống trữ điện tại nhà của mọi người lại, thành một nhà máy điện lớn và phân tán, để khi có nhu cầu điện ở vùng đó thì sẽ trích điện từ hệ thống pin trữ điện và cho vào lưới điện. Điều này có nghĩa là công ty làm "điện phân tán" sẽ có quyền quyết định lấy điện từ pin trữ điện tại nhà người dân hay không và khi nào họ làm điều đó. Thông thường, họ chỉ lấy cách này khi có nhu cầu cao về điện nhưng không đủ nguồn cung từ điện mặt trời hay điện gió, ví dụ như ban đêm.

Nhìn tổng quát về điện mặt trời ở hộ gia đình sẽ như sau:

  1. Khi có nắng, panô điện mặt trời sẽ phát điện, cung cấp cho nhu cầu sử dụng tại nhà.
  2. Nếu nhu cầu sử dụng của gia đình lúc có nắng mà ít, lượng điện dư sẽ chuyển vào pin trữ điện của gia đình.
  3. Nếu pin trữ điện đã đầy mà điện mặt trời vẫn còn, điện dư lại được bán lại cho điện lưới với giá rẻ.
  4. Khi hết nắng, gia đình sẽ dùng điện đã trữ trong pin của gia đình.
  5. Khi lưới điện có nhu cầu cao, mà pin trữ điện còn hơn 20% dung lượng thì nhà máy điện phân tán mới trích xuất điện trong pin và bán cho điện lưới với giá cao.
  6. Như vậy, nhà máy điện phân tán ăn được chênh lệch giá bán cho điện lưới và giá mua điện từ pin trữ của người dân, người dân thì thêm thu nhập, còn lưới điện thì thêm điện cung cấp cho nơi cần xài.

Điểm lợi của phương án này nằm ở chỗ chi phí khởi đầu được chia nhỏ và do người dân gánh chịu. Ở mức độ của công ty điện, họ chỉ cần đưa ra mức giá hấp dẫn là được. Nói chung cũng là chuyện cân bằng chi phí ngắn hạn với dài hạn, giữa việc bỏ tiền mua pin trữ điện lúc đầu với lợi nhuận thu được hàng tháng. Nếu kết thúc thời hạn bảo hành của pin mà dã thu lợi bằng hoặc hơn giá trị của pin thì rất đáng để cân nhắc.

Còn về phía chính quyền, phương án này giúp cho các vùng xa xôi được tiếp cận nguồn điện ổn định một cách dễ dàng hơn, phần nào giảm đầu tư của chính quyền vào lĩnh vực hạ tầng điện, và sử dụng tiền tiết kiệm đó khuyến khích người dân mua thêm pin trữ điện. Thực tế, chính quyền Úc đang hỗ trợ khá nhiều chi phí mua pin trữ điện cho người dân vùng xa xôi.

Tổng kết

Sẽ còn cần thêm nhiều ý tưởng nữa để năng lượng tái tạo thay thế được điện than, nhưng phần nào thì chiến lược không điện than 2050 có khả năng thành công rất cao. Nhất là khi cao trào năng lượng tái tạo đang lan truyền rộng khắp trong suy nghĩ của người dân.



Thursday, January 20, 2022

Làm thế nào có tiền đầu tư

Có nhiều người thắc mắc với tôi là họ muốn đầu tư nhưng không có tiền thì làm thế nào, đây là hướng dẫn dành cho người nghiêm túc:

Bước 1, ghi lại tất cả các chi tiêu hằng ngày, và mỗi tuần kiểm kê con số để đảm bảo không bị lệch. Quan trọng là phải tự mình ghi nó để có cảm nhận về chi tiêu của mình. Tôi dùng MoneyLover từ gần chục năm rồi, các bạn có thể thử.

Bước 2, tìm con số chi tiêu tối thiểu mỗi tháng. Số tối thiểu này cần phải lược bỏ những thứ không phải tháng nào cũng mua ví dụ như quần áo, điện thoại, sửa xe,...  Thông thường bao gồm tiền nhà, điện nước, ăn uống, đi lại. Chúng ta có kỳ vọng con số này bằng 50-60% thu nhập mỗi tháng.

Bước 3, tạo quỹ dự phòng bằng 3 lân chi tiêu tối thiểu. Nếu chi tiêu tối thiểu của bạn bằng 50% thu nhập, bạn sẽ cần 3 tháng để có đủ. Tiền này phải bỏ vào trong tài khoản tiết kiệm ngay, không được rút ra khi còn công việc có thu nhập. Bởi nó chính là tiền cứu bạn khi bạn mất việc và phá sản đầu tư.

Bước 4, xác định mục tiêu, ví dụ một năm phải đầu tư được 20% thu nhập. Cũng có nghĩa là mỗi tháng lúc nhận lương phải bỏ 20% vào quỹ đầu tư ngay lập tức. Làm điều đó bất kể có thiếu tiền nhà hay tiền ăn hay không. Tiền nhà có thể khấc, tiền ăn có thể nhịn, nhưng tiền đầu tư thì nhất quyết không đụng vào.

Bước 5, tính lại xem 80% còn lại có đủ chi trả các chi phí không? Nếu có, giảm xuống còn 70% thì thế nào? Đến khi tìm thấy một con số eo hẹp, thì hãy sử dụng con số đó làm budget. Số tiền dôi ra giữa mục tiêu 20% và con số budget chính là số tiền để đầu tư mạo hiểm một xíu, ví dụ như chứng khoán. Nếu 80% mà không đủ chi trả thì quay lại bước 2, tìm nguồn thu khác hoặc giảm chi tiêu hơn nữa để về mức 50% thu nhập.

Bước 6, kiểm tra chi tiêu liên tục, đánh giá lại tháng này có dư ra cắc bạc nào không? Không dư thì thôi, còn có dư thì lập tức ném nó vào kênh đầu tư siêu mạo hiểm như crypto. Nên nhớ, chỉ mua, không bán, bởi tiền đó là tiền thừa.

Dừng lại một chút để nói về mấy con số. Giả sử bạn có thu nhập 20 triệu VNĐ/tháng, lập tức bỏ 4 triệu vào tài khoản đầu tư, kênh tốt cho nó thường là ETF bởi tính ổn định và lãi tốt ở dài hạn, số tiền này không được rút ra cho đến khi bạn nghỉ hưu. Giờ coi như bạn có thu nhập có 16 triệu, nhưng chi tiêu tối thiểu là 10 triệu, dôi ra chút để mua quần áo và sửa xe và nhiều thứ khác, bạn xác định budget là 14 triệu mỗi tháng. Như vậy thu nhập 16 triệu và không thể chi hơn 14 triệu, 2 triệu kia lập tức kiếm cổ phiếu công ty nào đó mà mua, một vài năm có lời thì chốt để mua cái khác. Với 14 triệu trong budget, nếu bạn chi tiêu lố thì ghi nợ đó, tháng sau ráng giảm chi tiêu để trừ nợ tháng trước, còn nếu bạn chi tiêu ít hơn budget giả sử chỉ 13 triệu thì bạn có ngay 1 triệu để ném vào crypto và đợi nó nhân đôi hay nhân 3.

Nên nhớ một điều, đầu tư vào crypto hay chứng khoán thì có thể mất trắng, nên đừng lo lắng khi bị lỗ. Đằng nào thì bạn cũng có quỹ dự phòng và tài khoản đầu tư ETF dài hạn rồi.

Những gì diễn ra đằng sau các hợp đồng vay tiền mua nhà

Hầu hết mọi người đều nghĩ hợp đồng vay tiền mua nhà đơn giản là hợp đồng vay có thế chấp, giữa người vay tiền và ngân hàng thông qua một bên làm cò trung gian (broker). Theo đó, ngân hàng lấy tiền ra cho người dân vay, người dân có nghĩa vụ trả lãi hàng tháng, nếu không thể trả nổi nữa, thì ngân hàng phát mãi căn nhà lấy tiền trả lại nợ.

Thực tế thì câu chuyện đằng sau còn kéo dài hơn và thú vị hơn. Tôi nêu lại một số điểm chính, không phân tích sâu thêm:

  • Người dùng mua nhà, thế chấp đúng căn nhà để vay và trả lãi theo tháng => đây là hợp đồng vay tiền.
  • Ngân hàng thông qua broker đứng ra trả tiền cho người mua nhà, và là người sở hữu thật sự của hợp đồng vay tiền (không phải chủ sở hữu nhà nhưng là chủ sở hữu hợp đồng vay).
  • Broker có đội ngũ chăm sóc khách hàng, nói chuyện với người mua nhà khi cần thiết, và nhận hoa hồng trên tiền lãi hàng tháng.
  • Trong mắt ngân hàng, hợp đồng thuê nhà không khác gì stock: có thanh khoản (là căn nhà thế chấp) + có giá trị hiện hữu (valuation - chính là tổng số tiền mà người mua nhà phải trả = tổng số tiền đã vay - tổng số tiền phải trả) + có cổ tức (chính là tiền lãi hàng tháng trừ cho các loại hoa hồng thuế phí).
  • Đã giống stock thì tất nhiên có thể giao dịch được, và thế là một marketplace cho việc chuyển giao hợp đồng vay tiền bắt đầu.
  • Trên thực tế, người mua các hợp đồng vay tiền là quỹ hưu trí hoặc quỹ lớn hoặc các nhà tư bản lớn, vốn cần một kênh đầu tư sinh lợi tốt mà rủi ro thấp và dù thế nào đi nữa cũng không lỗ (thứ còn lại duy nhất có đặc tính "không bao giờ lỗ" là trái phiếu chính phủ, nhưng lại lãi quá thấp).
  • Hợp đồng này có đặc điểm riêng biệt là giá trị càng nhỏ thì rủi ro càng thấp (tức người vay còn nợ ít trong khi tài sản thế chấp càng có giá trị so với số nợ). Bởi thế sẽ có rất nhiều phân khúc cho người mua hợp đồng lựa chọn, thậm chí họ có thể chọn tất cả các phân khúc từ rủi ro thấp đến cao, bởi ngân hàng có vô số những hợp đồng như vậy.
  • Cũng giống như cổ phiếu, các hợp đồng này có thể chuyển từ người mua này cho người mua khác.

Tóm lại, vai trò của các bên như sau:
  • Ngân hàng:
    • Đánh giá mức độ tín dụng của người vay.
    • Cho vay tiền trước (upfront).
    • Gom các hợp đồng vay tiền lại để bán lại theo gói (mỗi gói có thể chỉ bằng một phần nhỏ giá trị của một hợp đồng vay tiền).
    • Chăm sóc người vay.
  • Broker:
    • Kiếm người vay mới, giải đáp mọi thắc mắc của họ.
    • Chăm sóc người vay tiền.
    • Nhận hoa hồng từ ngân hàng.
  • Marketplace:
    • Tạo sân chơi cho ngân hàng và các nhà tư bản gặp nhau, trao đổi về các hợp đồng vay tiền.
    • Cung cấp chỉ số tín dụng (credit score) cho các bên liên quan.
    • Nhận phí giao dịch và hoa hồng từ các nhà tư bản.
  • Nhà tư bản (gọi chung cho các quỹ lớn và các nhà tư bản lớn):
    • Có vốn lớn và không muốn bị lỗ nhưng kiếm lời tốt hơn trái phiếu.
    • Mua các gói hợp đồng vay tiền và nhận lãi hàng tháng.
    • Bán lại các hợp đồng vay tiền nếu có nhà tư bản khác sẵn sàng trả giá cao hơn (giống giao dịch cổ phiếu).
  • Người vay tiền:
    • Sở hữu căn nhà.
    • È cổ trả vốn lẫn lãi cho 4 bên còn lại. Theo tháng. Và lãi sẽ chồng lãi.
Xét về động lực, có thể thấy:
  • Người vay tiền:
    • Chấp nhận trả lãi để chấp dứt việc trả tiền thuê nhà, có căn nhà mơ ước, được trải nghiệm cảm giác ấm cúng thật sự.
    • Chấp nhận thực tế là lãi suất có thể tăng hoặc giảm theo biến động thị trường.
    • Không hiểu được cái khái niệm "biến động thị trường" thực tế là chuyện do các nhà tư bản và marketplace quyết định.
    • Tuy nhiên, họ có thể thay đổi ngân hàng hay broker nếu tìm được kèo khác thơm cho họ.
  • Nhà tư bản:
    • Đem tiền đầu tư, và sinh lợi nhuận tốt hơn trái phiếu mà không có rủi ro (kèo siêu thơm).
    • Luôn mong muốn lãi suất càng cao càng tốt.
  • Marketplace:
    • Do sống bằng phí giao dịch, nên luôn muốn thị trường càng sôi động càng tốt, và có 2 hướng của một thị trường sôi động:
    • Một là, số hợp đồng vay tiền càng lúc càng nhiều.
    • Hai là, lãi suất biến động lên xuống liên tục, khiến việc sang tay giữa các nhà tư bản càng lúc càng nhiều.
  • Ngân hàng:
    • Chung quy lại, họ không mất xu nào vì tiền cho vay sẽ được các nhà tư bản trả lại sau khi họ bán được hợp đồng vay tiền. Tuy nhiên, họ nhận được khoản chia phần trăm trên số lãi hàng tháng.
    • Luôn muốn giữ người vay tiền với mình, bởi đó là cách duy nhất họ có tiền. Chính vì vậy họ muốn mình có thể giảm lãi và mấy ngân hàng khác thì không giảm bằng mình.
  • Broker:
    • Luôn muốn kéo nhiều người vay càng tốt.
    • Tìm cách giảm lãi suất và các chiêu trò khác nhằm đáp ứng nhu cầu của từng người vay tiền.
Từ đó, chúng ta có thể thấy "biến động lãi suất" là do:
  • Phe ngân hàng + broker tìm cách kéo lãi suất xuống.
  • Phe nhà tư bản tìm cách kéo lãi suất lên.
  • Phe marketplace cổ vũ cho cả hai bên giằng co.
  • Còn phe người vay tiền thì tiếp tục è cổ trả lãi và gốc.

Thursday, October 14, 2021

Bàn về kinh tế VN hậu Covid 2021

Tôi vừa đọc bài đánh giá về VN trên FT.com. Có mấy dòng suy nghĩ.

Tóm tắt: rất nhiều công ty nước ngoài từ Ikea và Walmart đến Nike hay Adidas đều gặp vấn đề khi khôi phục sản xuất vì nhân công thiếu hụt nặng, nhất là ở cụm kinh tế TPHCM. Nhiều công ty bắt đầu rút chi nhánh của mình khỏi VN.

Ngắn hạn, có thể chỉ là thiếu hụt việc làm, còn dài hạn thì VN có thể bị rơi ra ngoài khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn được VN vun đắp hơn 25 năm qua.

Đoạn sau là quan điểm cá nhân:

Năm 2020, khi đại dịch bắt đầu, VN chống dịch thành công với hành động phong tỏa mạnh, trong khi những nước như Úc để số ca nhiễm leo thang mà vẫn để nền kinh tế hoạt động.

Năm 2021, VN tiếp tục hành động phong tỏa cực mạnh với chủng Delta bằng các biện pháp đóng cửa sản xuất và chậm cứu trợ người lao động nghèo. Và giờ là lúc VN quyết định mở cửa kinh tế để "sống chung với Covid" thì tác động sâu rộng của hành động ngăn sông cấm chợ trước đó vẫn còn tác động quá mạnh. Nếu VN không chọn đúng con đường tiếp theo, rất có thể tác động sẽ còn lớn hơn nữa.

Tôi nghĩ VN nên nhân cơ hội người lao động đã về quê mà tạo ra các chính sách khuyến khích kinh doanh ở các tỉnh, đừng dồn hết vào các thành phố lớn nữa. Thế giới đã thay đổi, giờ là lúc ứng dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin, và cũng là lúc giết giới BĐS. Chỉ khi nào dòng tiền tháo chạy khỏi BĐS và đổ ngược vào khoa học kỹ thuật đồng thời là giáo dục thì mới giúp VN thay đổi bộ mặt.

Vấn đề nông nghiệp tại VN có lẽ là cho nhen nhúm, kiểu "người cày có ruộng" khiến đất nông nghiệp bị chia nhỏ, cần phải tập trung vào một vài doanh nghiệp công nghệ để tạo ra nông sản chất lượng và đồng đều hơn.

Còn vấn đề công nghệ thông tin thì đơn giản hơn nữa: ưu đãi về thuế, giảm số lượng giấy tờ và giấy phép, đồng thời bỏ luật an ninh mạng đi. Cái luật ANM này khiến nhiều startup bỏ VN mà ra nước ngoài đăng ký head office lắm rồi.

Nói vậy thôi, chứ tiếng nói của mình nhỏ, thường nói những điều này đều rơi vào hư không. 😅

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *